Hotline: 0902 970 638
Email: sales4.xenanghavico@gmail.com
banner-tin-tuc-xe-nang-phuy

HLV Park Hang-seo: ‘Người Việt Nam chưa từng sẵn sàng cho giấc mơ World Cup’

- Sau khi U23 Việt Nam lập kỳ tích ở giải U23 châu Á, nhiều người hi vọng thế hệ cầu thủ tài năng mới sẽ giúp bóng đá nước nhà bay cao. Thậm chí, nhiều người đã mơ đến suất dự World Cup 2022, hoặc chí ít là tới vòng loại cuối cùng khu vực châu Á như Thái Lan vừa qua. Ông đánh giá sao về điều này?

 

- Từ sau thành công ở giải đấu Trung Quốc, tôi được nhiều người hỏi về khả năng Việt Nam giành vé dự World Cup trong tương lai. Tôi xin hỏi ngược lại là liệu người Việt Nam đã sẵn sàng cho việc có đội bóng giành vé dự giải đấu lớn nhất hành tinh này hay chưa? Câu trả lời là chưa.

 

Phong trào bóng đá ở Việt Nam phát triển chưa thực sự mạnh mẽ. Ở V-League, chỉ Hà Nội và HAGL có đào tạo trẻ tốt, các CLB khác thì chưa. Trung tâm PVF có cơ sở chất lượng nhưng cũng chỉ đào tạo 180 học viên. Như thế là quá ít để lựa chọn cầu thủ. Muốn có đội tuyển dự World Cup thì tất cả phải đồng lòng, từ Liên đoàn, các đội bóng, truyền thông cũng như người hâm mộ. Hãy bắt tay xây dựng kế hoạch, làm từng bước từ bây giờ thay vì ngồi mơ mộng.

 

- World Cup là giấc mơ xa vời nhưng AFF Cup 2018 thì sát sườn. Ông nghĩ thế nào về cơ hội đăng quang của Việt Nam?

 

VFF giao chỉ tiêu lọt vào chung kết, và cá nhân tôi cũng muốn vậy. Nhưng trước tiên phải tính câu chuyện ở vòng bảng. Việt Nam ở bảng A, trong đó Lào và Campuchia không quá khó. Nhưng Myanmar và Malaysia thì không dễ. Tôi đang chờ xem họ thi đấu thế nào để phân tích. Mới đây, tôi đã sang Thái Lan xem họ đá giao hữu với Trung Quốc.

 

- Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan luôn là đối thủ "kị dơ" của Việt Nam. Mỗi khi gặp họ, cầu thủ chúng ta thường bị tâm lý và không thể thể hiện được bản thân. Ông có giải pháp nào cho vấn đề này?

 

- Theo thống kê thì khi hai đội đối đầu, phần thắng thường nghiêng về Thái Lan. Điều này khiến các cầu thủ Việt Nam bị tâm lý, đó là chuyện bình thường. Trong bóng đá chuyện "kị dơ" cũng không hiếm. Ví như Trung Quốc thì rất ngán Hàn Quốc. Hàn Quốc lại e ngại các nước Trung Đông như Iran, Iraq...

 

Để hoá giải nỗi sợ hãi đó, chúng ta có hai cách. Thứ nhất, thi đấu nhiều với đối thủ mạnh, có thành tích tốt sẽ bớt e sợ. Tôi nghĩ chiến tích của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á vừa qua cũng giúp các cầu thủ Việt Nam có tâm lý tốt hơn khi đối đầu Thái Lan. Thứ hai, khi đội tuyển tập trung, VFF cần thuê chuyên gia tâm lý để nói chuyện với các cầu thủ. Khi họ đả thông được tư tưởng, ra sân sẽ tự tin thể hiện được khả năng của mình. Trình độ bóng đá Việt Nam và Thái Lan thực sự không quá cách xa.

 

Trong các đợt tập trung cầu thủ, tôi đã làm khảo sát, hỏi thăm từng người họ xem điểm mạnh của Việt Nam là gì. Họ đưa ra bốn cái chính gồm: Đoàn kết, Tự tin, Thông minh và Không từ bỏ. Sau này tôi còn thấy có thêm một tố chất là khi tôi đưa ra mục tiêu, họ luôn biết cách đáp ứng dù khó khăn đến mấy. Có năm điều này, chẳng việc gì Việt Nam phải sợ Thái Lan. Chúng ta có thể đánh bại họ.

 

HLV Park Hang-seo tiết lộ sự vui tính của ông là bí quyết tạo ra sự đoàn kết trong đội. Ảnh: Lâm Thỏa

 

- Nói về khả năng giải quyết vấn đề tâm lý cầu thủ, thì ông đúng là bậc thầy. Điều đó đã được chứng tỏ tại vòng chung kết U23 châu Á. Vậy đâu là bí quyết?

 

Trong triết lý huấn luyện của mình, tôi không để tạo ra lớp rào cản vô hình giữa HLV và cầu thủ. Trên sân tôi là HLV, nhưng ra ngoài tôi muốn là người cha, người anh truyền lại kinh nghiệm cho các em. Khi nhận lời dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam. Rào cản lớn nhất của tôi là ngôn ngữ. Tôi dùng sự vui tính của mình để giải quyết vấn đề này. Đó là lý do nhiều cầu thủ nói tôi là HLV vui tính nhất họ từng gặp và họ coi tôi như người trong gia đình.

 

Trong một đội bóng, chỉ có 11 cầu thủ đá chính. Nhưng, nếu không có 12 người dự bị thì làm sao đội hình chính có thể tập luyện tốt hoặc sử dụng khi hữu sự. Tôi luôn cố gắng để các cầu thủ dự bị hiểu họ cũng quan trọng thế nào. Cách làm của tôi là đối xử mọi người như nhau. Trong lúc tập luyện tôi đề ra mục tiêu, mọi người được đối xử công bằng, ai đáp ứng được thì đá chính.

 

- Từng làm trợ lý cho HLV Guus Hiddink vào thời điểm Hàn Quốc giành vị trí thứ tư tại World Cup 2002, ông tự rút ra cho bản thân đâu là bài học lớn nhất có được từ chiến lược gia người Hà Lan?

 

Cái tôi học được là quá trình không quan trọng, quan trọng là kết quả. Tôi nhớ khi HLV Hiddink dẫn dắt Hàn Quốc đá giao hữu, đội thua Pháp 0-5. Vài trận sau kết quả cũng tương tự. Chuyện tệ đến nỗi chiến lược gia người Hà Lan bị đặt biệt danh là “Ngài thua 0-5”. Truyền thông và người hâm mộ tạo ra sức ép khủng khiếp, đòi HLV Hiddink từ chức. Tuy nhiên, với cầu thủ ông ấy vẫn động viện “Làm tốt lắm. Giữ vững tinh thần này cho World Cup nhé”.

 

Sau này vào giải, đội giành kết quả khả quan thì mọi thứ thay đổi. HLV  Hiddink được ca ngợi. 

 

Trong 24 tháng dẫn dắt Hàn Quốc, HLV Hiddink có tới 20 tháng sống trong áp lực và chỉ trích. Tôi may mắn hơn, thành công ngay giải đầu dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam. Nhưng tôi hiểu phía trước là chông gai bởi kỳ vọng của người hâm mộ càng lớn. Vì vậy tôi đã gạt bỏ thành công cùng U23 Việt Nam lại phía sau, xem như bắt đầu lại từ đầu.

 

- Gần đây ông thường xuyên đi các sân “xem giò” các học trò U23 của mình thi đấu ở V-League. Ông có đánh giá thế nào về họ?

 

Họ thể hiện tốt. Nhưng tôi thấy lo lắng khi một loạt cầu thủ quan trọng như Quang Hải, Đình Trọng, Văn Đức... gần đây dính chấn thương. Thời tiết Việt Nam khắc nghiệt, mật độ thi đấu đợt này lại dày, các cầu thủ U23 Việt Nam cần đá thông minh hơn, đọc tình huống tinh tế hơn trong các pha bóng để tránh chấn thương. Phía trước chúng ta còn có ASIAD và AFF Cup.

 

Lâm Thỏa

Copyright © 2016 KING. All Rights Reserved
Scroll