Dẫu trận lượt về bán kết Champions League đã kết thúc từ hơn 20 ngày trước, song người ta vẫn không thể hiểu nổi rằng bằng cách nào mà Liverpool đánh bại Barcelona tới 4-0. Đấy là một điều không tưởng, một kỳ quan hay một hiện tượng siêu nhiên khiến nhiều người sững sờ dù chứng kiến tận mắt.
Và bí thuật đem lại sự huyền diệu này của bóng đá chính là công thức Klopp – Kop trong việc vận dụng binh pháp quân sự như nghiên cứu đối thủ, cắt đứt sở trường, dàn trận địa ở thế hiểm địa thuộc về mình, lợi địa nhường cho địch thủ để kích thích sự bùng nổ của từng cá nhân trong giờ phút sinh tử, đúng sai, vinh nhục.
Trước tiên, chiến lược gia Klopp đã nghiên cứu đối phương rất tốt và hiệu quả. Barcelona dưới thời Ernesto Valverde không còn bóng hình của một triết gia thông tuệ, với những pha ban bật tí tách trừu tượng. Thứ bóng đá được gọi là tiqui-taca ma mị ấy đã trở thành quá vãng cùng sự ra đi của Xavi Hernandez và Andres Iniesta.
Barca dưới thời Valverde là một tay võ sĩ thực dụng và tinh quái, một kẻ bất chấp thủ đoạn để chiến thắng. Phân tích một cách tổng quát, Barca thời đại tiqui-taca luôn áp đảo đối phương về thời gian cầm bóng bằng những pha ban bật quãng ngắn với hai mục đích.
Thứ nhất, cầm bóng không để đối phương tấn công, bởi không có bóng thì làm sao tấn công. Thứ hai, ban bật khiến khối phòng ngự đối phương xô lệch rồi xuyên phá vào vị trí yếu nhất.
Barca dưới thời Valverde không còn chú trọng vào khâu cầm bóng nữa. Thay vào đó, vị chiến lược gia người Tây Ban Nha trở lại với hai khái niệm căn bản và xưa cũ của bóng đá là tấn công và phòng ngự. Valverde lo chuyện phòng ngự từ ngoài sân còn Messi quán xuyến việc tấn công ngay trên sân.
Sự thay đổi này được thể hiện rõ nhất qua việc Barca chuyển đổi sang sơ đồ 4-4-2. Với sơ đồ này, Valverde sẽ có hai tuyến phòng ngự 4 người đảm bảo về tính kết nối lẫn quân số. Đổi lại, Barca không còn những tam giác vị trí, đơn vị căn bản trong các tình huống bật nhả ở sơ đồ 4-3-3 để kiểm soát bóng.
Về mặt sơ đồ là vậy, về mặt con người, những Rakitic, Arthur hay Coutinho cũng không đủ tầm để cầm bóng được như Xavi hay Iniesta. Đó là cái lý để Valverde đưa về Nou Camp những tiền vệ giàu tính chiến đấu, giỏi tìm kiếm không gian như Paulinho rồi Arturo Vidal. Trong khi đó, mặt trận tấn công phụ thuộc hoàn toàn vào Messi, một sự phụ thuộc mà Valverde sẵn lòng.
Lẽ dĩ nhiên, với một Messi quá xuất chúng, lại có sự phụ trợ của Suarez quái kiệt và Jordi Alba nhanh như chớp, ít ai để ý đến chuyện lối chơi của Barca cho đến khi bị lật mặt tại Anfield. Nhưng, hãy khoan nói về 90 phút lượt về vì thắng thì nói gì chẳng đúng, hãy đề cập về trận lượt đi trước để thấy rõ vấn đề.
90 phút tại Nou Camp, Liverpool không hề lép vế trước Barca. Bằng chứng là thầy trò Klopp cầm bóng tới 52,5%, tức kiểm soát bóng nhiều hơn cả đội chủ nhà. Chiến thuật pressing của The Kop cũng tỏ ra hiệu quả với 34 tình huống tranh chấp tay đôi hoặc tắc bóng thành công. Và nói về diễn biến, nhiều thời điểm chính Liverpool mới là đội lấn lướt.
Bây giờ đến 90 phút tại Anfield, mọi thứ gần như không đổi, những pha pressing đồng bộ, ăn ý và hợp lý về tính thời điểm của Liverpool vẫn khiến Barca choáng váng. Đơn giản, khả năng cầm bóng ban bật thoát pressing của Barca hiện tại đã kém xa khả năng pressing của Liverpool. Thế nên Barca không thể luân chuyển bóng vượt qua các tuyến phòng ngự của đối phương.
Hơn nữa, Messi là địa chỉ duy nhất của các đường chuyền từ tuyến dưới, thế nên Liverpool chỉ việc bố trí đông người phong tỏa siêu sao người Argentina là Barca “tắc”. Nói Klopp phong tỏa hoàn hảo mãnh tướng của đối phương khỏi trận địa để vô hiệu chính là ở mấu chốt này.
Việc Barca cầm bóng nhiều hơn (57%) ở lượt về thực ra chỉ phản ánh việc những phút cuối đội bóng xứ Catalan phải dồn lên tấn công và bất lực. Đầu đuôi không hỗ trợ được nhau, nước xa không dập được lửa gần, thế nên, thất bại của Barcelona chính là điều tất nhiên.
Thêm vào đó, tình thế 2 đội ở trận lượt về có nhiều khác biệt. Messi không còn sắc bén như lượt đi còn Origi thì không vô duyên như Mane hay Salah. Còn về thực lực, về khả năng phối hợp, về sự đồng bộ trong lối chơi, về sự gắn kết của cả tập thể hay nôm na là xét khả năng vận hành của cả cỗ máy, Liverpool của Klopp ăn đứt Barca của Valverde. Chẳng phải ngẫu nhiên Liverpool què quặt khi mất cả Firmino lẫn Salah lại đánh bại Barca.
Tất nhiên, việc ghi 4 bàn để lội ngược dòng, nhất là khi đối thủ là một siêu cường như Barca thì không thể chỉ lý giải một cách lý trí hoàn toàn. Phân tích sâu hơn, trong cú lội ngược dòng trước Barca, Klopp là phần xác với tuyệt kỹ pressing rực lửa, còn Liverpool, Anfield và những CĐV chính là phần hồn. Không có phần hồn ấy, Liverpool có thể thắng nhưng chẳng thể ngược dòng.
Lịch sử hào hùng và văn hóa công chúng đã biến Anfield thành một thánh đường thực thụ của túc cầu giáo. Tiếng hát đồng hành hùng tráng của hàng vạn khán giả trên sân bóng này là một kỳ quan thực sự của bóng đá. Từ You’ll never walk alone đến Allez Allez Allez, các CĐV Liverpool khiến cho đối phương phải rợn tóc gáy và run rẩy. Barca cũng không phải là ngoại lệ.
Tựu trung, Liverpool đã thắng Barca ở cả hai khía cạnh trình độ và tinh thần. Messi dẫu rất thèm khát chức vô địch Champions League và mọi cầu thủ Barca đều hiểu rõ sự ác liệt của Anfield song họ đã không có đủ bản lĩnh. Còn Liverpool và Klopp lại là phép cộng hoàn hảo cho công thức ngược dòng Klopp – Kop.
Trận bán kết lịch sử trước Barcelona, cầu thủ vào thay người trong hiệp 2 Georginio Wijnaldum làm dậy sóng bốn mặt khán đài Anfield khi lập một cú đúp ở các phút 54 và 56. Có ai chú ý đến 2 mốc thời gian này không hay chỉ thấy rằng vài chục giây ngắn ngủi đó giúp Liverpool gỡ lại tất cả những gì đã mất trước Barca và hồi sinh hy vọng đi tiếp của Lữ đoàn Đỏ?
Con số 54 và 56 đặc biệt ở chỗ nó lặp lại sau 14 năm. Cũng là Liverpool trong một màn lội ngược dòng, với phút 54 thuộc về Steven Gerrard và 56 của Vladimir Smicer. Đến đây thì bạn đã hết ngờ ngợ chưa? Chính xác, đó là trận chung kết kỳ vĩ tại Istanbul với AC Milan, nơi Liverpool đã nhắc cho cả thế giới rằng trong từ điển của họ không có từ bỏ cuộc.
Không còn lại bất cứ cầu nối nào giữa 2 mốc thời gian. Gerrard vẫn có mặt ở Anfield chứng kiến đội bóng cũ đập nát Barca, nhưng là trên khán đài. Tuy nhiên, sự kết nối giữa 2 thế hệ vẫn vô cùng sống động. Dường như từ Istanbul xa xôi đến Anfield huyền thoại vẫn là một tập thể đó, với tinh thần ngùn ngụt cháy cho đến giọt máu cuối cùng.
Đội hình Liverpool phiên bản 2019 đã “hoàn thiện” hơn rất nhiều với những vị trí giữ giá trị chuyển nhượng số một thế giới. Nhưng tiền không mua được vinh quang nếu thiếu đi cái cốt lõi. Giống như hiệp 1 trận đấu với Milan, vẫn là Liverpool đó thua tan tác 3 bàn không gỡ trước Barca tại Nou Camp trong trận lượt đi.
Khi đó, không ai nói về tiền, về giá trị chuyển nhượng hay bất cứ thứ vật chất nào khác. Đó không chỉ vì Liverpool đang đối đầu với siêu nhân Messi và dàn sao cực phẩm trong đội hình của HLV Valverde, mà còn bởi khi đã thua tới 0-3 thì có xếp tiền từ Trái Đất đến Mặt Trời cũng không thể mua nổi ánh sáng, nếu không tin mình làm được.
Sau 14 năm, là Juergen Klopp đóng vai trò của Gerrard, bước vào phòng thay đồ vốn toàn những cái đầu nặng trĩu, để truyền đi niềm tin cho những người xung quanh. 14 năm trước, là những cái vỗ tay đơn sơ của người đội trưởng, nhằm thẳng sự hèn nhát của đồng đội mà đập nát. Sau 14 năm, Klopp nói với học trò rằng họ nợ người hâm mộ một trận đấu tuyệt vời và sẽ trả đủ ở Anfield.
Gerrard làm được khi tự mình đánh đầu hiểm hóc ở phút 54, mở đầu hành trình lội ngược dòng. Klopp cũng làm được, ông giữ trọn lời hứa của mình và trình diễn 90 phút đáng xem bậc nhất trong lịch sử bóng đá.
Không có 1 giây nào ở Anfield mà người ta không run lên vì kích thích, hào hứng, sung sướng. Trong một chiều không gian khác, Liverpool đã có thể không thắng nhưng họ vẫn là những nhà vô địch trong lòng người hâm mộ. Bởi "We are Liverpool, this means more – Chúng ta là Liverpool, điều đó có ý nghĩa lớn lao hơn rất nhiều".
Vòng 38 Ngoại hạng Anh 2018/19, ít nhất thì CĐV Liverpool cũng có gần... 1 phút được hưởng cảm giác của nhà vô địch khi Glenn Murray giúp Brighton dẫn trước Man City. Nhưng rốt cuộc, thất bại vẫn là thất bại. Liverpool đã tận lực cố gắng, đến thật gần danh hiệu quốc nội mà họ thèm khát tột độ để rồi nhận ra nó vẫn thật xa.
Nhưng giờ là lúc phải gạt đi nuối tiếc để cùng với nhau, thầy trò Klopp làm sống dậy biệt hiệu "Vua đấu cúp" một thời của Liverpool. Họ chiến đấu như thú dữ ở UEFA Cup, ở Champions League, ở FA Cup… để chiếm đoạt được biệt hiệu uy trấn giang hồ đó.
Biệt hiệu này không tự nhiên sinh ra. Sau giai đoạn khủng hoảng ở thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, Liverpool đánh dấu sự trở lại của mình với bản lĩnh ở các mặt trận theo thể thức knock-out. Mùa giải 2000/01, họ giành cú ăn 4 gồm UEFA Cup, Siêu Cúp châu Âu, FA Cup và Cúp Liên đoàn.
Tài trí của con người ta không giống nhau, kẻ giỏi đua đường dài, người thạo đánh từng trận một. Thế nên, cứ cho là Liverpool vẫn thật tệ ở cuộc đua đường trường Premier League, nhưng họ vẫn lấy được vinh quang ở các cuộc đấu tay đôi để bù đắp cho các CĐV.
Để rồi Liverpool thực sự phát tiết mạnh mẽ khả năng đá cúp dưới thời HLV Rafael Benitez, với đỉnh điểm là chức vô địch Champions League trong trận đấu lịch sử với Milan. Tiếp đó nữa là Siêu Cúp châu Âu 2005, FA Cup 2005/06 và Siêu Cúp Anh 2006.
Thời điểm đó, người hâm mộ thật sự kinh ngạc trước sức phản kháng của Liverpool. Họ có thể thua cuộc ở một chặng đua đường trường nhưng khi bị đặt vào thế một mất một còn trong 90 phút, nơi vinh quang chỉ còn cách vài bước chân, The Kop tự động triệu hồi hào quang truyền thống và phủ kín cầu thủ bằng niềm tin bất diệt.
Chỉ có bản lĩnh siêu phàm mới giúp Liverpool vượt qua Milan ở thế chỉ còn 1% cơ hội. Hay chính Gerrard cùng các đồng đội tái lập siêu phẩm ngược dòng trước West Ham ở trận chung kết FA Cup 2005/06, nơi mà "Stevie G" ghi bàn gỡ hòa 3-3 ở phút 90+1 bằng một cú sút xa hơn 30m.
Theo thời gian, phẩm chất đối đầu trực diện như thế này của Liverpool mai một dần. Đến tay Klopp thì chính xác là… thảm họa khi ông thầy người Đức thất bại liên tiếp ở 3 trận chung kết là Cúp Liên đoàn 2015/16, Europa League 2015/16 và Champions League 2017/18.
Vậy nên nếu có thêm một tập nữa của serie đau thương "kẻ thất bại trước ngưỡng cửa thiên đường", tiền nhân sẽ trách cứ thế hệ của Klopp lắm đây. Ông vì thế không được phép thua trước Tottenham ở Wanda Metropolitano, không được để nỗi đau dai dẳng hơn nữa.
Hãy nhớ rằng, bạn đã vượt qua nhiều khoảnh khắc nan nguy, đánh bại nhiều kẻ thù hung hiểm không phải để có mặt tại một nơi đúng thời điểm, đúng địa điểm để rồi gục ngã. Đấy chính là trò đùa của số phận dành cho nạn nhân của mình.
Thời điểm ấy là vào đêm ngày 2/6, địa điểm ấy là Wanda Metropolitano và kẻ ấy chính là Tottenham Hotspur, đối thủ của Liverpool trong trận chung kết Champions League. Juergen Klopp và The Kop có e ngại Tottenham không? Không hề, đấy là bại tướng của họ ở 2 trận đối đầu gần nhất.
Nhưng Klopp đang run sợ trận chung kết, nơi đã tạo nên tên tuổi vinh quang của The Kop nhiều lần như một vị Vua đấu Cúp song lại vùi chôn khát vọng của ông bởi ông toàn thất bại nơi đây. 3 trận chung kết Champions League trong đời một dũng tướng, đã hai lần ngã ngựa còn lần thứ ba vẫn mông lung.
Chung kết với The Kop là cánh cửa thiên đường. Chung kết với Juergen Klopp lại là đoạn đầu đài mà đáng tiếc thay kể từ khi công thức Klopp – Kop hình thành, chưa bao giờ pháp trường thành thiên đường cả mà chỉ toàn ngược lại. Một cuộc lội ngược định mệnh lớn của Klopp đã mở ra. Chung kết Champions League 2018/19!