UBND TP Cần Thơ vừa quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) vì đã đổi 100 USD tại một tiệm vàng. Ông Rê, đồng thời, cũng bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được.
Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 quy định, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng hoặc thanh toán qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý. Do đó, hành vi của ông Rê, được xem là vi phạm pháp luật và áp theo khung xử phạt hành chính, theo Nghị định 96/2014, từ 80 đến 100 triệu đồng.
Trao đổi với VnExpress, một đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho biết, hành vi mua bán ngoại tệ trái phép bị xử phạt như vậy là đúng quy định. Tương tự, nhiều luật sư cũng nhìn nhận hành vi bán ngoại tệ như vậy là trái quy định hiện hành.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, việc xử phạt này "hợp về lý" nhưng "chưa thuận về tình". Với những người không nắm chắc về luật, như ông Rê, theo đánh giá của các luật sư, sẽ rất khó để biết "cách xử lý thế nào là đúng luật với tờ 100 USD".
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM đặt câu hỏi: "Thế nào là một điểm thu mua ngoại tệ có giấy phép, rất khó để một người dân có thể xác định. Họ chỉ đơn giản là tìm đến địa điểm gần nhất có thể thực hiện giao dịch này". Chưa kể, bản thân ông Rê cũng thừa nhận không phải lần đầu mình bán USD ở tiệm vàng mà chỉ "gặp rắc rối" ở lần đi đổi tờ tiền 100 USD vào cuối năm 2017.
Ngoài ra, theo các luật sư, xử phạt một hành vi phải căn cứ trên mức độ vi phạm và tác động gây ra. Tuy nhiên, việc đổi tờ 100 USD được người nhà đưa cho chỉ đơn thuần là một giao dịch dân sự và người dân có thể không nắm được pháp lệnh về ngoại hối cũng như những quy định về giao dịch ngoại tệ.
"Đổi 100 USD được hơn hai triệu đồng mà bị xử phạt 90 triệu, mặc dù đúng về mặt pháp luật nhưng thực sự là chưa hợp lý", ông Hậu đánh giá.
Phân tích sự việc này, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng việc xử phạt hành chính về giao dịch ngoại hối này tuy đúng về căn cứ pháp lý nhưng lại cho thấy "sự hài hước về cách áp dụng luật tại Việt Nam".
Ông Hải lấy dẫn chứng, một vụ kiện cách đây không lâu về tranh chấp trong giao dịch ngoại hối giữa hai doanh nghiệp. Trong vụ kiện đó, hai bên doanh nghiệp thỏa thuận giá trị hàng hóa bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng tiền đồng, đây là một cách trao đổi ngoại tệ gián tiếp và vi phạm Pháp lệnh ngoại hối. Tuy nhiên, giao dịch đó sau cùng lại không bị toà án tuyên vô hiệu, dù số tiền trao đổi lớn hơn nhiều tờ tiền 100 USD của ông Rê ở Cần Thơ.
"Nhìn từ hai sự việc này, rõ ràng là con voi thì chui lọt nhưng con kiến thì không cho qua", ông Hải ví von.
Thực tế, ông Rê cũng cho biết, với mức lương thợ điện khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng của mình, ông không biết lấy đâu ra 90 triệu đồng để nộp phạt.
Tại nhiều thành phố lớn thậm chí đã hình thành những tuyến phố chuyên giao dịch ngoại tệ, hay còn gọi với tên khác là "chợ đen". Giao dịch trên thị trường phi chính thức cũng sôi động không kém gì kênh giao dịch qua ngân hàng.
Theo Phó chủ tịch Hội luật gia TP HCM, cơ quan điều hành cần có những chỉnh sửa về hành lang pháp lý với giao dịch ngoại hối cho những trường hợp như ông Rê.
"Cần xây dựng những chế tài xử lý, những khung hình phạt với từng hành vi và quy mô giao dịch cụ thể thay vì gộp chung lại trong một quy định xử phạt hành chính", ông Hậu nói và cho rằng sẽ bất công cho những người dân bị xử phạt, trong khi thị trường không thiếu những hành vi vi phạm với quy mô lớn hơn.
Minh Sơn