Ông Hiệp cũng cho biết thêm, ngoài việc đã giảm giá theo quy định, công ty của ông - đơn vị quản lý trạm thu phí BOT Cai Lậy, đã đầu tư hai khu vực cho xe trả phí bằng tiền lẻ và một khu vực riêng cho báo chí tác nghiệp.
Hai khu vực để xe đưa tiền lẻ đậu có diện tích khoảng 800m2 với sức chứa 20 - 25 xe/bãi được trạm làm theo mô hình của Đồng Nai. Những xe đưa tiền lẻ không được đậu tại làn thu phí mà sẽ được lực lượng chức năng mời vào bãi này giải quyết, tránh ùn ứ giao thông.
Nằm cạnh trạm thu phí, khu vực riêng để phóng viên tác nghiệp được trang bị bàn làm việc và là chỗ để phóng viên làm việc với đại diện trạm khi có thắc mắc.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Sở Thông tin truyền thông Tiền Giang, việc qui định khu vực hoạt động cho báo chí như một số thông tin (qua báo chí) là không phù hợp với luật định. "Khi nào vụ việc xảy ra đúng như vậy thì Sở thông tin - Truyền thông sẽ có ý kiến ngay" - vị này nói.
Tài xế trả tiền lẻ lúc trạm thu phí Cai Lậy hoạt động - Ảnh: ANH TÚ
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) chính thức thu phí từ ngày 1-8-2017. Tuy nhiên, các tài xế cho rằng trạm thu phí đặt tại vị trí đó không hợp lý, mức phí quá cao nên đã phản đối bằng cách đưa tiền lẻ gây kẹt xe, buộc phải xả trạm nhiều lần.
Ngày 15-8, trạm phải ngừng thu phí. Cho đến nay, sau nhiều cuộc làm việc giữa các cơ quan chức năng, cuối cùng một phần yêu cầu của tài xế được đáp ứng khi chủ đầu tư đồng ý giảm phí qua trạm.
Mức thu phí mới sẽ giảm bình quân 30% so với trước đây với các loại xe.
Cụ thể, mức phí thấp nhất với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn 25.000 đồng/lượt (trước 35.000 đồng), mức cao nhất 140.000 đồng (trước 180.000 đồng) với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe đầu kéo container trên 40 feet.
Thanh Tú - Mậu Trường